Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Trẻ từ 2 – 6 tuổi: Chăm sóc dinh dưỡng, bổ sung can xi thế nào để không bị quá liều?

Bổ sung can xi cần hợp lý

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: Ở giai đoạn 2 đến 6 tuổi, trẻ sẽ tăng khoảng 8,5 kg và 28,5 cm nếu được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Đây cũng là giai đoạn hình thành các thói quen tốt về lựa chọn thực phẩm, tập luyện thể dục/ vận động - những yếu tố ảnh hưởng lớn đến hành vi của mỗi cá thể khi trưởng thành.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Việt Nam cần đưa ra mức khuyến nghị bổ sung canxi cao hơn, để tạo ra những đỉnh xương cao hơn hiện nay. Áp dụng theo tiêu chuẩn của nước Anh, mức bổ sung canxi cho người Việt Nam được khuyến nghị là 500-600mg/ngày, cao hơn một số nước ở châu u.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với rất nhiều nước trên thế giới. Thí dụ, tại Mỹ, người ta khuyến nghị bổ sung canxi cho trẻ 2-3 tuổi là 700 mg/ngày, từ 5-7 tuổi là bổ sung hơn 1.000 mg/ngày. Khi đưa ra mức khuyến nghị cao hơn, sẽ tạo ra mật độ xương, đỉnh xương cao hơn.

Theo TS.BS Trường Hồng Sơn, bổ sung canxi nếu quá liều có thể dẫn tới mắc các bệnh lý về mạch, gây sỏi thận...

“Hiện nay, phụ nữ Việt Nam sau tuổi 45 có nguy cơ loãng xương rất cao. Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng có khuyến nghị phụ nữ đến tuổi này uống sữa có bổ sung canxi và coi đây là giải pháp tốt. Nhưng đó chỉ là giải pháp phòng chống loãng xương, giảm mật độ xương. Do đó, chúng tôi đề nghị đẩy đỉnh xương của Việt Nam (vốn thấp so với thế giới) cao nhất là ở độ tuổi 20-25 để từ giai đoạn này, người Việt chú trọng đến bổ sung cho xương từ sớm” - BS Sơn cho biết.

TS.BS Trường Hồng Sơn lưu ý rằng: Hiện nay, nhiều bà mẹ tự ý bổ sung canxi không có sự tư vấn kỹ càng của các chuyên gia dinh dưỡng. Trong khi, ma trận thuốc canxi lại đang làm người tiêu dùng bị loạn, chưa kể, một số thuốc canxi lại có lượng bổ sung rất lớn. Do đó, bổ sung như thế nào, giai đoạn nào với liều lượng ra sao, rất cần có sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.

Theo BS Sơn, cách bổ sung canxi an toàn nhất là bổ sung bằng thức ăn. Với trẻ em, khi bổ sung canxi phải theo chỉ định của bác sĩ để không quá liều, không làm ảnh hưởng đến hấp thụ các vi chất khác trong cơ thể. "Theo tôi, bổ sung đa vi chất tốt hơn đơn vi chất, đề phòng các vấn đề thiếu hụt khi có một chất tăng đột biến” - BS Sơn cho biết.

Theo khuyến nghị của thế giới, người lớn bổ sung canxi không quá 500 mg/lần, không quá hai lần/ngày. Nếu sử dụng liều canxi lớn, sẽ khiến cơ thể tự giảm hấp thu hoặc khi canxi bổ sung nhiều quá đến mô mềm, đến mạch máu làm ảnh hưởng xấu đến các bệnh lý về mạch, gây sỏi thận.

Video: TS.BS Trường Hồng Sơn nói về việc bổ sung canxi hợp lý và hậu quả của việc bổ sung canxi quá liều

Cảnh báo trẻ suy dinh dưỡng và béo phì

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, khẩu phần ăn của trẻ trong độ tuổi 2 – 5 chưa đa dạng. Tỷ lệ năng lượng do protein cung cấp chiếm 16% nhưng protein động vật còn thấp, năng lượng do lipid < 25% ở một số vùng. Khẩu phần canxi còn thấp, tỷ số Canxi/Photpho mất cân đối và chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng (vitamin A, Fe, Zn,…). Ngoài ra, khẩu phần của trẻ có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, khu vực và mức kinh tế.

TS. BS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tình trạng thừa cân béo phì ở tuổi học đường đáng báo động. Theo một điều tra trên 500 trẻ béo phì cho thấy, tỷ lệ rối loạn mỡ máu ở tuổi 6-10 khá cao. Đái tháo đường cũng đang bị trẻ hóa nhanh chóng, cá biệt có bệnh nhân mắc đái tháo đường khi mới 8 tuổi. Các nước giải khát có ga được lứa tuổi này ưa chuộng thực chất cung cấp vượt quá 10% so với nhu cầu năng lượng của trẻ em. 20% trẻ có vấn đề giấc ngủ (theo một nghiên cứu của Mỹ) mà các bậc phụ huynh không biết.

Khẩu phần ăn cho trẻ cần phong phú, đa dạng và trình bầy bắt mắt, hấp dẫn trẻ

Độ tuổi 2-6 tuổi cũng là độ tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở tất cả các thể (nhẹ cân, thấp còi, gầy còm). Trẻ trong độ tuổi này đặc biệt dễ mắc nhiều bệnh như còi xương, thiếu máu, nhiễm giun sán, tiêu chảy,…Do đó, PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến nghị, trẻ cần được bổ sung thêm rau xanh, trái cây, ngũ cốc, bánh mỳ, sữa, sữa chua, phô mai, thịt, cá, trứng… với các khẩu phần tiêu chuẩn nhất định. Bên cạnh bổ sung dinh dưỡng, cần rèn luyện cho trẻ 2-6 tuổi có chế độ luyện tập hợp lý như: Hoạt động thể chất ít chất 60 phút/ngày thông qua hình thức đi bộ, bơi lội, ném bóng,…; hạn chế thời gian trẻ ngồi một chỗ xem TV, nghịch điện thoại, máy vi tính (dưới hai tiếng/ngày); nên để trẻ tiếp xúc với tự nhiên nhiều hơn…

Đối với trẻ suy dinh dưỡng, biếng ăn, có thể sử dụng sản phẩm có đậm độ năng lượng, dinh dưỡng cao theo công thức F75 và F100 của Tổ chức Y tế thế giới và một số chất bổ sung giàu acid amine, chất béo, vitamin và chất khoáng.

TS Trương Hồng Sơn bày tỏ, Việt Nam cần các can thiệp ưu tiên giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và có giải pháp đặc thù cho từng vùng. Ngoài chăm sóc dinh dưỡng, cũng cần quan tâm đến vấn đề rèn luyện thể chất, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ ngay từ nhỏ. Dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể chất là nền tảng của sức khỏe, và cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

Nhằm cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam, đến nay, nhiều chính sách, chương trình/dự án đã và đang được thực hiện, tiêu biểu như Dự án Bữa ăn học đường cung cấp thực đơn cân đối, hợp lý, đa dạng cho trẻ; Chương trình Sữa học đường nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hằng ngày.

Thanh Loan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét